MỞ RỘNG > Ôn tập Luật hình sự 2

Ôn tập Luật hình sự 2

NỘI DUNG ÔN TẬP LUẬT HÌNH SỰ 2

 

 

Bài 13: TNHS và HÌNH PHẠT

1. Những nội dung chính:

 

  1. Khái niệm trách nhiệm hình sự, hình phạt.
  2. Đặc điểm của TNHS, hình phạt.

c. Mục đích hình phạt.

 

2. Áp dụng:

a. Xem xét các nhận định sau là đúng hay sai và giải thích:

+ Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý của cá nhân.

+ Một người bị truy cứu TNHS thì tất phải chịu hình phạt.

+ Hình phạt được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.

+ Trừng trị là một trong những nội dung quan trọng của hình phạt.

+ Mục đích quan trọng nhất của hình phạt là ngăn ngừa người phạm tội tái phạm.

 

Bài 14: Hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp

1. Những nội dung chính:

a. Các loại hình phạt (chính và bổ sung): Nội dung và điều kiện áp dụng.

b. Các biện pháp tư pháp: Nội dung và điều kiện áp dụng).

 

2. Áp dụng:

a. Xem xét các nhận định sau là đúng hay sai và giải thích:

      + Hình phạt tiền chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng.

+ Hình phạt trục xuất không thể được áp dụng đối với người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài.

+ Hình phạt tử hình không áp dụng đối với người đang có thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

+Người bị áp dụng hình phạt bổ sung tước một số quyền công dân có thể bị quản chế một thời gian từ 1-5 năm.

+ Biện pháp tịch thu chỉ áp dụng đối với những người phạm tội từ nghiêm trọng trở lên.

+ Người đã bị bắt buộc chữa bệnh thì không phải chịu TNHS.

 

b. Giải quyết một số tình huống:

1. Ngày 1/1/2003, Vũ Xuân Thanh phạm tội buôn lậu nhiều lần và bị phạt 3 năm tù. Ngoài ra, Thanh còn bị Tòa án cấm cư trú tại địa phương sát biên giới trong thời hạn 3 năm.

Theo anh (chị), Toà án đã làm đúng không? Tại sao?

 

2. Nguyễn Văn Niên, sinh ngày 24/3/1988. Đêm 15/7/2005, Niên đã có hành vi dùng dao uy hiếp một nữ sinh trường PTCS X tên là Lê Thị Lụa (14 tuổi) để hiếp dâm. Sau khi thoả mãn, Niên đã dùng dao đâm chết Lụa, ném xác vào bụi cỏ và bỏ trốn.

Ngày 20/8/2005, Công an Điều tra đã ra lệnh truy nã Niên. Ngày 3/4/2006, Niên bị bắt. Ngày 7/7/2006, Tòa án tuyên phạt Niên với mức án cao nhất là tử hình (tổng hợp từ hai tội) vì cho rằng đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, thể hiện thái độ coi thường pháp luật của Niên, coi thường mạng sống và các giá trị khác của con người.

            Theo anh (chị) Tòa án đã đúng hay sai? Tại sao?

 

3. Phước Tế Điên phạm tội cố ý gây thương tích và bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù, thời hạn chấp hành bắt đầu từ ngày 29/12/2001. Ngày 5/8/2002, Điên phát bệnh tâm thần và Hội đồng giám định pháp y tỉnh Z kết luận là mất khả năng nhận thức. Ngày 3/9/2002, Tòa án đã quyết định đưa Điên đi bắt buộc chữa bệnh. 11/12/2004, Điên được xác nhận là klhỏi bệnh và bị Tòa án quyết định tiếp tục chấp hành hình phạt tù.

Anh (chị) đồng ý với quyết định của Toà án không? Tại sao?

 

4. Sau khi Trương Nam Hải thi đậu đại học, cha mẹ Hải đã thưởng cho anh một chiếc xe 150cc hiệu Husky, nhưng đăng ký chủ sở hữu là tên cha của Hải tên là Trương Bắc Sơn.

Đêm 2/2/2005, sau khi dự sinh nhật của bạn cùng lớp đến 21 giờ, Hải cùng ba người bạn nữa tên (hai nam, một nữ: Liễu chạy Space, Cang chạy Epcoro, Trường chạy @) rủ nhau ra đại lộ đua xe, ai thua chịu tiền đi dancing (vũ trường). Đua được một đoạn, cả bọn bị cảnh sát giao thông chặn bắt.

Trong số bốn người, Hải và Trường đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi đua xe trái phép. Vì vậy, Hải và Trường bị Công an Điều tra khởi tố về tội đua xe trái phép.

Ngày 13/4/2006, Tòa án đã tuyên cả Hải và Trường cùng mức án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 2 năm. Ngoài ra, các phương tiện phạm tội cũng bị tịch thu.

Theo anh (chị) Tòa án đã tuyên đúng hay sai? Tại sao?

 

           

Bài 15: Quyết định hình phạt

 

1. Những nội dung chính:

 

a. Các nguyên tắc, căn cứ quyết định hình phạt.

b. Quyết định hình phạt trong những trường hợp cụ thể:

+ Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, đồng phạm, đối với người chưa thành niên;

+ Trường hợp phạm nhiều tội, có nhiều bản án.

c. Tổng hợp hình phạt.

d. Miễn TNHS, miễn hình phạt.    

 

2. Áp dụng:

 

a. Xem xét các nhận định sau là đúng hay sai và giải thích:

+ Hai căn cứ quan trọng nhất để Tòa án quyết định hình phạt là tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS.

+ Nếu người phạm tội có một tình tiết giảm nhẹ TNHS và một tình tiết tăng nặng TNHS thì khi quyết định hình phạt, Tòa án coi người phạm tội là không có tình tiết giảm nhẹ cũng như tăng nặng.

+ Ngày 1/2/2003 Sơn phạm tội trộm cắp tài sản. Ngày 4/5/2003, Sơn lại phạm tội cướp giật tài sản.

Trường hợp của Sơn bị xem là phạm tội nhiều lần.

+ Năm 2000, Hòai bị kết án về tội vận chuyển hàng cấm (khoản 2 Điều 191) với mức phạt tù 3 năm. Năm 2004, sau khi chấp hành xong hình phạt được 1 năm, Hoài lái xe gây tai nạn làm chết 5 người.

Trường hợp của Hoài thuộc loại tái phạm nguy hiểm.

+ A định hiếp dâm B nhưng bị B chống cự quyết liệt nên A không thực hiện được ý đồ.

Dù vậy, Tòa án vẫn có thể quyết định mức phạt tù đối với A khoảng 5 năm.

+ Về hình thức, miễn TNHS giống như miễn hình phạt.

 

b. Phân tích một số tình huống:

1. Ngày 15/3/2001, Lê Thị Chua bị Tòa án tuyên phạt 1 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 173). Chấp hành xong được 6 tháng, Chua lại bị bắt về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, giá trị 980 ngàn đồng.

Theo anh (chị), hành vi phạm tội của Chua bị áp dụng tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Lý do tại sao?

 

2. Ngày 13/8/2004, Nguyễn Văn Linh có hành vi buôn bán trái phép chất ma túy và ngày 15/10/2004 bị Toà án tuyên phạt tù chung thân, bắt đầu chấp hành hình phạt từ ngày 16/11/2004. Chấp hành hình phạt đến ngày 16/11/2016 (giả định), Linh được giảm mức hình phạt xuống còn 30 năm tù.

Ngày 15/11/2017, Linh bị đưa ra xét xử về hành vi trộm cắp tài sản đã thực hiện từ năm 2002. Tòa án tuyên phạt Linh 3 năm tù giam cho tội này.

Anh (chị) hãy tính xem Linh còn phải chấp hành hình phạt là bao lâu?

 

3. Hiếu rất tức giận vì Lâm đã bít đường cống dẫn nước không cho nước vô ruộng của Hiếu (đường cống thuộc quyền sử dụng của nhà Lâm). Hiếu đã vài lần sang thương lượng để Lâm tháo cống cho nước vào ruộng mình nhưng Lâm không đồng ý. Thấy ruộng lúa nhà mình sắp chết khô mà việc thương lượng với Lâm vẫn không thành công, Hiếu không kiềm chế được nên nửa đêm lén mang hộp quẹt qua đốt nhà Lâm định bụng sẽ giết cả nhà Lâm cho hả giận.

Lửa cháy mù mịt, dù hàng xóm phát hiện nhưng do đám cháy đã khá lâu cộng với nhà gỗ dễ cháy nên căn nhà đã bị thiêu rụi hoàn toàn. May thay, đêm đó cả nhà Lâm về quê ngoại ăn giỗ nên không chết ai cả. Tổng thiệt hại trị giá 20 triệu đồng.

Sáng hôm sau, nghĩ là gia đình của Lâm đã chết hết, cảm thấy ăn năn nên Hiếu đã đi tự thú, khai rõ sự việc.

Thấy Hiếu là người biết ăn năn tự thú cùng với việc phạm tội do suy nghĩ nhất thời vì bị kích động nên Toà án đã tuyên phạt Hiếu 8 năm tù cho hành vi giết người chưa đạt, 6 tháng tù cho hành vi huỷ hoại tài sản. Tổng cộng, hình phạt mà Hiếu phải chấp hành là 8 năm 6 tháng tù.

Anh (chị) thấy quyết định của Tòa án có đúng không? Phân tích.

 

4. Hùng 27t bị tòa tuyên án 30 tháng cải tạo không giam giữ tội cố ý gây thương tích. chấp hành 12 tháng, hùng phạm tội lừa đảo vào bị tạm giam. 4 tháng sau đem ra xét xử tòa tuyên phạt 5 năm tù.

Vậy sau khi tuyên án tội mới, tòa tổng hợp hình phạt cho Hùng là bao nhiêu ?


5) H phạm tội đua xe trái phép bị tòa phạt 2 năm tù, cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 3 năm. Được 2 năm thử thách, H phạm tọi đánh bạc bị tòa phạt 5 năm tù. Vậy tổng hợp hình phạt cho H là bao nhiêu?

 

6. Ngày 10/4/2002, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt Tài 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 3 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt đầu tính thời gian thử thách là 27/4/2005.

Ngày 27/6/2002, TAND thành phố Long Xuyên tuyên phạt Tài 2 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (mặc dù bị xét xử sau nhưng tội phạm này được thực hiện trước khi có bản án ngày 10/4/2002).

Trong bản án số 38/HSST (27/6/2002), TAND thành phố Long Xuyên đã tổng hợp hai bản án trên và buộc Tài phải chấp hành mức hình phạt chung là 2 năm 11 tháng tù.

Anh (chị) thấy cách làm của Tòa án đúng hay sai? Giải thích.

 

 

Bài 16: Các biện pháp tha miễn

1. Những nội dung chính:

 

a. Án treo:

+ Tính chất pháp lý;

+ Điều kiện hưởng án treo;

+ Thời gian thử thách;

+ Tổng hợp hình phạt trong thời gian thử thách phạm tội mới;

+ Hình phạt bổ sung đối với người hưởng án treo.

b. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

c. Miễn chấp hành hình phạt.

d. Thời hiệu truy cứu TNHS.

e. Thời hiệu thi hành bản án hình sự.

f. Tha tù trước hạn

g. Xoá án tích.

 

  1. Áp dụng:

 

a. Xem xét các nhận định sau là đúng hay sai và giải thích:

            + Một người được hưởng án treo, trong thời gian thử thách được xem là đang chấp hành hình phạt.

+ Người bị kết án nếu chưa chấp hành hình phạt mà lập được đại công thì sẽ được miễn chấp hành hình phạt.

+ Người bị kết án tù chung thân, thời gian tối thiểu để được xét giảm mức hình phạt là người này đã chấp hành ít nhất 12 năm tù.

Phú do nghe theo lời xúi giục của người khác, tham gia phá rối an ninh.

Nếu hành vi phạm tội của Phú không bị phát hiện thì sau 10 năm kể từ khi Phú phạm tội, Phú sẽ không bị truy cứu TNHS nữa.

+ Thời hiệu thi hành bản án tử hình không phải là 15 năm kể từ ngày bản án tử hình có hiệu lực pháp luật.

+ Người được xóa án tích tức là trong toàn bộ lý lịch được xem như người chưa từng phạm tội.

 

b. Xử lý vài tình huống:

1. A phạm hai tội là trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 173 BLHS) và cố ý gây thương tích (khoản 1 Điều 134 BLHS). Tòa án đã tuyên phạt A 2 năm tù cho tội trộm cắp tài sản và 3 năm cải tạo không giam giữ cho tội cố ý gây thương tích. Sau khi tổng hợp hình phạt, thấy A có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Tòa án đã cho A được hưởng án treo với thời gian thử thách là 3 năm.

Theo anh (chị), Tòa án đã làm đúng hay sai? Tại sao?

 

 

2. Ngày 13/8/2000, Nguyễn Văn Ánh có hành vi trộm cắp chiếc xe đạp trị giá 700.000 đồng và bị Toà án nhân dân huyện Tân Hiệp, Kiên Giang tuyên phạt 12 tháng tù giam. Chấp hành hình phạt đến tháng 9 năm 2001 thì được trả tự do.

Ngày 6/10/2001, Ánh lại thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe đạp trị giá 600.000 đồng và bị Toà án nhân dân huyện Tân Hiệp tuyên phạt 12 tháng tù giam. Chấp hành hình phạt đến tháng 12/11/2002 được trả tự do.

Ngày 17/11/2005, Ánh lại trộm cắp tài sản trị giá 575.000 đồng và bị bắt giữ.

Theo anh (chị), trường hợp của Ánh thuộc trường hợp tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao?

 

3. A  (19 tuổi) bị phạt 2 năm tù về tội cướp giật tài sản , phải bồi thường cho người bị hại 3 triệu đồng và nộp án phí.

Hãy xác định: Thời điểm xóa án tích về tội cướp giật tài sản, nếu ngày 5/6/2006 A chấp hành xong hình phạt ,ngày 30/6/2006 A thực hiện xong bồi thường cho người bị hại và ngày 1/8/2006 đã đóng án phí.


 

Bài 17: Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

 

1. Những nội dung chính:

a. Nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.

b. Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

c. Biện pháp tư pháp áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

d. Các biện pháp tha miễn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

 

 

2. Áp dụng:

            a. Nhận định:

            + Người dưới 18 tuổi là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. 

            + Hình phạt cao nhất đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là bằng ¾ mức hình phạt cao nhất quy định đối với người đã thành niên.

            + Người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn có thể bị áp dụng hình phạt tiền.

            + Người dưới 18 tuổi phạm tội không thể bị áp dụng hình phạt cấm cư trú.

            + Người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phạm tội không thể có trường hợp tái phạm nguy hiểm.

 

b. Tình huống:

 

1. Năm 17 tuổi, A phạm tội trộm cắp tài sản (theo khỏan 2 Điều 173 Bộ luật hình sự) và bị tòa án tuyên phạt 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 3 năm.

Hai năm sau, A lại phạm tội giết người (theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự) và bị toà án tuyên phạt 20 năm tù. Trong thời gian điều tra, A đã bị tạm giam 3 tháng.

Anh (chị) hãy:

- Tổng hợp hình phạt cho A;

- Tính xem A còn phải chấp hành hình phạt bao lâu.

 

2. A còn thiếu 2 ngày nữa là 18 tuổi, phạm tội và bị kết án 1 năm cải tạo không giam giữ.

Hãy tính thời hạn xóa án tích của A  nếu ngày chấp hành hình phạt là 01/02/2013.

 

 

Bài 18: Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội 

 

1. Những nội dung chính:

a. Điều kiện để pháp nhân TM chịu TNHS

b. Phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân TM;

c. Các hình phạt đối với pháp nhân TM

d. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS  của pháp nhân TM.

 

2. Áp dụng

Nhận định và giải thích

- Chủ tịch HĐQT thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích của công ty do mình đứng đầu thì công ty đó phải chịu TNHS.

- Pháp nhân TM không phải chịu TNHS về tội tham ô tài sản.

- Về hình thức, pháp nhân TM cũng có thể nói là bị áp dụng hình phạt tử hình.

- Một pháp nhân TM thường tài trợ cho các chương trình trò chơi truyền hình được xem là một tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân đó.

- Thời hiệu để xóa án tích đối với pháp nhân TM bị áp dụng hình phạt cấm hoạt động vĩnh viễn là 2 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

 
Tác giả: Phạm Văn Beo